UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nhiều cây cầu sẽ được xây mới, diện mạo nhiều khu ổ chuột sẽ đổi khác.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Phân khu quy hoạch có diện tích khoảng gần 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người.
Theo quy hoạch được duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40 km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Theo quy hoạch, sẽ phân đoạn quản lý phát triển gồm 3 phân đoạn chính. Cụ thể: Từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long: Là khu vực phát triển không gian sinh thái. Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì: Là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng, đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ. Cuối cùng là từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở: Là không gian sinh thái trọng tâm với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, thủy sản.
Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Đặc biệt, đồ án xác định, xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo.
Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, thành phố Hà Nội chấp thuận những nội dung quan trọng, gắn liền với sinh kế của người dân. Ngoài việc sẽ có chỉ giới cụ thể các khu vực dân cư được tồn tại và được phép xây dựng, thành phố sẽ có thêm 6 cây cầu qua sông Hồng cùng với việc thay đổi toàn diện, khai thác cụ thể tiềm năng du lịch dịch vụ tại khu vực này.
Thay đổi toàn diện khu vực đô thị ven sông Hồng
Theo quy hoạch được thông qua, các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc 4 quận trung tâm: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng sẽ được tồn tại bảo vệ, trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn sẽ phải di dời.
Tuy nhiên để có hướng dẫn cụ thể ở từng khu vực, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các quận huyện xác định chỉ giới, pháp lý có liên quan tổng hợp vào phương án phòng chống lũ và đê điều sông Hồng, để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.
Trong quy hoạch phân khu đô thị lần này, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Theo đồ án quy hoạch, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Đây được dự kiến không chỉ thay đổi về mặt giao thông đô thị mà còn giúp cho hệ thống thoát lũ trên sông Hồng được vận hành tốt hơn.
Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông. Tại các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%, những bãi sông này được đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.
Thực ra từ năm 1994, Hà Nội đã bắt đầu phối hợp với các đơn vị nước ngoài để lập quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên, quy hoạch gặp nhiều vướng mắc liên qua đến đê điều, hành lang thoát lũ, các quy hoạch ngành khác. Hàng vạn hộ dân sinh sống ven sông tại 4 quận nội thành cũng đang thấp thỏm nhiều năm qua, không biết khu vực nơi mình đang sống sẽ ra sao khi điều chỉnh được phê duyệt. Sau 30 năm, lần này Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chính thức được phê duyệt, ai cũng mong muốn được cải thiện nơi ở của chính mình.
Mong muốn của cư dân ven sông 4 quận của Hà Nội
Hàng chục năm bám trụ từ lúc chỉ là bãi rác ven sông đến nay đã có đường bê tông sạch đẹp, ông Nguyễn Quang Trung (phố An Xá, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) đang mong muốn được nâng cấp ngôi nhà của mình hơn bao giờ hết. Vì trong vùng ven sông nên ở đây người dân có tiền cũng không thể xây dựng hay lên tầng trên mảnh đất của mình.
Dọc địa bàn phường Phúc Xá ven sông Hồng có 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu thì hầu hết đều có mong muốn như gia đình ông Trung.
“Đi tái định cư thì chúng tôi cũng đi nhưng mong muốn được chỗ nó cao ráo sạch sẽ, chí ít là bằng hoặc hơn chứ đừng kém ở đây…” – ông Nguyễn Công nghiệp (phố An Xá, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) nói.
“Sau nhiều năm ở thế này, ai cũng mong muốn cuộc sống tốt lên, chúng tôi có sổ đỏ hết đấy chứ nhưng không biết tương lai sẽ ra sao thôi…” – bà Nguyễn Thị Tuyết (phố An Xá, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) nói.
Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm ở những khu vực này không được đầu tư, do đó, cuộc sống của người dân cứ tạm bợ từ năm này qua năm khác. Đây cũng là điều gây khó khăn cho các cấp quản lý địa phương nhiều năm qua.
Cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn là điều không ai mong muốn. Thế nên có một mảnh đất ổn định mưu sinh, con cái được học hành là điều mà hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông 4 quận nội thành mong muốn nhất vào lúc này.
Nguồn: Thongtincanho.vn